Ngân hàng Nhà nước ban hành loạt Thông tư mới hỗ trợ khách hàng và tái cơ cấu tín dụng

14/01/2025 - 01:14
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước ban hành loạt Thông tư mới, từ cơ cấu nợ sau bão số 3 (Thông tư 53/2024) đến quản lý ngoại hối, bảo lãnh ngân hàng và cấp phép tổ chức tín dụng. Nổi bật là Thông tư 61/2024 về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai và Thông tư 59/2024 siết chặt mua bán giấy tờ có giá.

Cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt Thông tư quan trọng, quy định các nội dung liên quan đến cơ cấu nợ, giao dịch ngoại tệ, quản lý ngoại hối, cấp phép và hoạt động của tổ chức tín dụng, cùng các quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 2 điểm % lãi suất điều hành trước áp lực tỷ giá.

Cập nhật loạt Thông tư quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cuối năm 2024

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 04/12/2024) quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại 26 địa phương.

Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 07/09/2023 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 07/09/2024 đến 31/12/2025.

Số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận.

Tuy nhiên để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư cho phép xem xét cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 07/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31/12/2027.

Giao dịch ngoại tệ và hoạt động ngoại hối

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 17/12/2024, hiệu lực từ 05/02/2025) sửa đổi Thông tư số 26/2021/TT-NHNN, quy định tạm ngừng giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt hoặc đình chỉ hoạt động ngoại hối.

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 18/12/2024, hiệu lực từ 01/02/2025) sửa đổi quy định quản lý ngoại hối trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cho phép các chi nhánh ngân hàng đặt tại các tỉnh biên giới thực hiện các giao dịch liên quan.

Cấp phép hoạt động và quản lý tổ chức tín dụng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN và 57/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 24/12/2024) quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động lần đầu cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 31/12/2024, hiệu lực từ 17/02/2025) quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục tổ chức lại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 31/12/2024, hiệu lực từ 17/02/2025) quy định thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Quy định về mua bán giấy tờ có giá

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 31/12/2024, hiệu lực từ 15/03/2025) sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu. Theo đó, chỉ các tổ chức có nội dung hoạt động được phép ghi trong Giấy phép mới được tham gia mua bán giấy tờ có giá.

Bảo lãnh ngân hàng và dịch vụ ngân quỹ

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 31/12/2024) quy định chi tiết về dịch vụ ngân quỹ.

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN (ban hành ngày 31/12/2024, hiệu lực từ 01/04/2025) hướng dẫn về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có bảo lãnh cho nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong đó quy định Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) là bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh là bên mua, bên thuê mua nhà ở (sau đây gọi là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là chủ đầu tư) khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết; chủ đầu tư phải nhận nợ bắt buộc và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận.

Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng, bên bảo lãnh đối ứng cam kết với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư; chủ đầu tư phải nhận nợ bắt buộc và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng theo thỏa thuận.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục, triển khai ...

Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định mới về giao dịch tín dụng giữa các tổ chức tài chính

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất quy định mới về giao dịch tín dụng giữa các tổ chức tín dụng và chi nhánh ...

Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đang đạt được những kết quả tích cực về quản trị và tài chính. ...

Đức Anh

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán