Thoái vốn nhà nước 2025: Thông tin SCIC thoái lui, cổ phiếu NTP "nhanh chân chạy trước"

04/05/2025 - 18:17
(Bankviet.com) Nhựa Tiền Phong (NTP) đứng trước cơ hội chuyển mình khi cổ đông nhà nước thoái vốn. Tính từ đầu năm 2025, cổ phiếu NTP ghi nhận mức tăng hơn 30%, lên mức cao nhất 52 tuần gần nhất.
Chuyển động

Thoái vốn nhà nước 2025: Thông tin SCIC thoái lui, cổ phiếu NTP "nhanh chân chạy trước"

Hồng Giang 04/05/2025 11:07

Nhựa Tiền Phong (NTP) đứng trước cơ hội chuyển mình khi cổ đông nhà nước thoái vốn. Tính từ đầu năm 2025, cổ phiếu NTP ghi nhận mức tăng hơn 30%, lên mức cao nhất 52 tuần gần nhất.

Tăng trưởng mạnh mẽ trước giờ G thoái vốn

Năm 2024 đánh dấu cột mốc tăng trưởng của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, HNX: NTP) khi doanh thu và lợi nhuận đều vượt xa kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ của Công ty được duy trì ở mức 1.425,32 tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.656,56 tỷ đồng, tăng 9,29% so với năm 2023. Doanh thu bán sản phẩm đạt 5.532,15 tỷ đồng, tương đương 102,4% kế hoạch, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.

Screenshot 2025-04-30 122955
Kết quả kinh doanh của NTP qua các năm (Nguồn: Fitrade)

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế NTP đạt 888,45 tỷ đồng, không chỉ hoàn thành 160% kế hoạch mà còn tăng 34,77% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 735,66 tỷ đồng, giúp EPS năm 2024 lên tới 5.661 đồng/cổ phiếu, tăng 31% so với 3.537 đồng năm 2023.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản của NTP đạt 6.414,9 tỷ đồng, tăng 961,17 tỷ đồng, tương ứng 17,6% so với đầu năm.

Tài sản ngắn hạn chiếm 69,7% tổng tài sản (4.472,88 tỷ đồng), tăng gần 27,7% so với đầu kỳ, trong khi tài sản dài hạn chiếm 30,3% (1.942 tỷ đồng), giảm nhẹ do yếu tố khấu hao tài sản cố định. Nợ phải trả ở mức 2.748,5 tỷ đồng, tăng 410,3 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do tăng khoản vay ngắn hạn và các khoản phải trả, nhưng không ghi nhận nợ vay dài hạn.

Vốn chủ sở hữu đạt 3.666,37 tỷ đồng, tăng 17,68%, chiếm 57,1% tổng nguồn vốn. Đặc biệt, khả năng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.984,03 tỷ đồng, tăng 751,21 tỷ đồng (tương đương 66,32%), trong khi khoản tiền và tương đương tiền cuối kỳ là 532,86 tỷ đồng, tăng 9,8%.

ntp.png
Trong đợt 1 năm 2025, SCIC công bố kế hoạch thoái vốn tại 31 doanh nghiệp, trong đó có Nhựa Tiền Phong

Bước sang quý I/2025, đà tăng trưởng của NTP tiếp tục được duy trì. Doanh thu thuần đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (948 tỷ đồng). Giá vốn hàng bán tăng từ 674 tỷ lên 910 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp vẫn đạt 358 tỷ đồng, tăng 30%.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gần gấp đôi, từ 130 tỷ lên 252 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 94%, đạt 211,9 tỷ đồng; EPS tăng mạnh từ 765 đồng lên 1.487 đồng.

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của NTP là 6.025,19 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 67,9%, tài sản dài hạn chiếm 32,1%. Nợ phải trả giảm nhẹ còn 2.360,69 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt 3.381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm do công ty đã chi trả cổ tức hơn 213,7 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế quý I đạt 192,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2024, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2.875 tỷ đồng thì hiện tại đã tăng trưởng gần 18%.

Lợi nhuận chưa phân phối tăng từ 404,9 tỷ đồng đầu năm 2024 lên 759,7 tỷ đồng vào đầu năm 2025, trước khi điều chỉnh nhẹ còn 738,8 tỷ đồng. Quỹ đầu tư phát triển giữ ổn định ở mức 1.217 tỷ đồng, cao hơn mức 1.174 tỷ đồng của đầu năm 2024.

Dấu hỏi lớn về định hướng tương lai

Năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thoái vốn xong tại các doanh nghiệp mà nhà nước không nắm giữ, tham gia góp vốn.

Do đó, đẩy mạnh công tác thoái vốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của SCIC trong năm 2025, nhằm phấn đấu hoàn thành danh mục thoái vốn theo Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đến hết năm 2025".

Theo đó, SCIC đặt mục tiêu hoàn thành việc sắp xếp lại và cơ cấu lại danh mục đầu tư đến hết năm 2025. Trong đợt 1 năm 2025, SCIC công bố kế hoạch thoái vốn tại 31 doanh nghiệp, trong đó có Nhựa Tiền Phong. Mục tiêu của việc thoái vốn là tối ưu hóa nguồn lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ, và thu hút các nhà đầu tư chiến lược để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Screenshot 2025-04-30 122230
Danh sách cổ đông lớn của NTP tại thời điểm ngày 31/12/2024

Tính đến 31/12/2024, SCIC đang nắm giữ 52.886.381 cổ phiếu NTP, tương đương 37,1% vốn điều lệ. Nếu SCIC thoái vốn thành công toàn bộ lượng cổ phiếu này, cấu trúc cổ đông của NTP sẽ có sự thay đổi. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chỉ còn 3 cổ đông lớn gồm Sekisui Chemical (nắm 15%), Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Phía Nam (14,27%) và ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT (6,87%).

Việc SCIC rút lui khỏi vai trò cổ đông chi phối đặt ra một dấu hỏi lớn về định hướng tương lai, đặc biệt trong bối cảnh NTP đang có vị thế hàng đầu trong ngành nhựa xây dựng với hệ thống phân phối rộng khắp và hiệu quả tài chính vượt trội. Đây là vấn đề đặc biệt đáng lưu tâm trong bối cảnh NTP đang ở giai đoạn đỉnh cao hoạt động kinh doanh, với vị thế dẫn đầu ngành nhựa xây dựng, mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước.

Tuy nhiên, sự thay đổi cổ đông lớn này cũng có thể sẽ mở ra cơ hội để NTP đón nhận một nhà đầu tư chiến lược mới mang đến làn gió mới trong quản trị, định hướng phát triển dài hạn và thậm chí có thể tạo đòn bẩy để công ty mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Đây cũng có thể là cơ hội để NTP chuyển mình từ một doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước trở thành một tổ chức vận hành theo mô hình hiện đại, minh bạch và linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Dù vậy, điều này cũng đi kèm những thách thức không nhỏ, nhất là việc duy trì sự ổn định về quản trị, gìn giữ định hướng tăng trưởng dài hạn trong khi vai trò điều tiết của Nhà nước không còn hiện diện. Đây sẽ là một “phép thử” thực sự cho bản lĩnh điều hành, năng lực nội tại và tầm nhìn chiến lược của đội ngũ lãnh đạo hiện hữu tại NTP.

Xét về diễn biến thị trường, tại thời điểm cuối năm 2024, cổ phiếu NTP giao dịch quanh mức 64.000 đồng, tương ứng với mức vốn hóa thị trường khoảng 9.122 tỷ đồng. Với EPS cả năm đạt 5.661 đồng/cổ phiếu, BVPS ở mức 25.733 đồng, các chỉ số định giá lần lượt là P/E khoảng 11,3 lần và P/B khoảng 2,5 lần. Mức định giá này được đánh giá là hợp lý, phản ánh tài chính tốt, hiệu suất sinh lời cao và vị thế dẫn đầu ngành của Nhựa Tiền Phong.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2025, cổ phiếu NTP đã ghi nhận mức tăng giá hơn 30%, khi chốt phiên ngày 29/04/2025 ở mức 72.600 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong 52 tuần trở lại đây. Điều này đẩy vốn hóa thị trường của doanh nghiệp lên khoảng 10.348 tỷ đồng. Kéo theo đó, P/E tăng nhẹ lên 11,37 lần, P/B lên 2,8 lần, EPS 12 tháng gần nhất được điều chỉnh lên 6.332 đồng/cổ phiếu và giá trị sổ sách (BVPS) của NTP cũng vào khoảng 25.710 đồng/cổ phiếu, cho thấy doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2025.

Việc giá cổ phiếu tăng nhanh trong thời gian ngắn chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng của thị trường vào quá trình thoái vốn của SCIC, đặc biệt khi cơ chế và thời điểm bán đã được công bố trong kế hoạch thoái vốn đợt 1 năm 2025.

Cụ thể, có thể thấy quyết định thoái vốn của SCIC đã tạo ra hiệu ứng tích cực rõ rệt trên thị trường chứng khoán. Chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch từ ngày 20 - 24/5/2024, giá cổ phiếu NTP tăng gần 50%, từ 42.800 đồng lên 63.200 đồng/cổ phiếu, thiết lập đỉnh lịch sử mới. Đà tăng này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng tái cấu trúc và phát triển mạnh mẽ của NTP sau khi Nhà nước rút lui khỏi vai trò cổ đông lớn nhất

Ngoài ra, NTP sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh với tỷ lệ tiền mặt, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 34% tổng tài sản. Công ty cũng có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn với tỷ lệ cao (20-30%) trong những năm gần đây, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư dài hạn.

Việc SCIC rút lui hoàn toàn khỏi vị trí cổ đông lớn mở ra cơ hội cho sự xuất hiện của nhà đầu tư chiến lược mới, từ đó thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và tăng trưởng của doanh nghiệp.​ Trong bối cảnh ngành nhựa xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhờ đầu tư công, đô thị hóa và nhu cầu hạ tầng, NTP đang có nhiều điều kiện để mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, kể cả ở thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng mức định giá hiện tại đã phản ánh phần lớn kỳ vọng về quá trình tái cấu trúc. Do đó, việc đầu tư vào cổ phiếu NTP ở thời điểm này nên được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Sự cạnh tranh gay gắt trong ngành nhựa, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào và khả năng phụ thuộc vào các chính sách môi trường có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, cổ phiếu NTP vẫn là một lựa chọn hấp dẫn, đặc biệt nếu quá trình tái cấu trúc diễn ra thành công và doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận.

Tổng thể, Nhựa Tiền Phong là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi vừa có nền tảng tài chính vững, vừa duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định trong nhiều năm, đồng thời đang đứng trước một cơ hội lịch sử để lột xác. Nếu tái cấu trúc thành công, NTP hoàn toàn có thể trở thành một "kỳ lân mới" trong lĩnh vực vật liệu xây dựng - nhựa kỹ thuật cao tại Việt Nam trong 3-5 năm tới. Đây là thời điểm then chốt không chỉ với công ty, mà còn là cơ hội chiến lược cho những nhà đầu tư biết nhìn xa và sẵn sàng đồng hành trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ của một doanh nghiệp nhà nước đang tư nhân hóa toàn diện.

Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (thành lập năm 1960), từng sản xuất cơ khí và đồ chơi nhựa.

Từ những năm 1990, công ty chuyển sang mô hình cổ phần, tập trung sản xuất ống và phụ tùng nhựa PVC, HDPE, PPR mang thương hiệu Nhựa Tiền Phong. Sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong cấp thoát nước, xây dựng, nông nghiệp tại Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều nước như Lào, New Zealand, Hồng Kông…

Công ty hiện có 6 nhà máy trên toàn quốc và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 5 quốc gia khu vực châu Á.

Ngoài ra, với mạng lưới tiêu thụ gồm 12 Trung tâm phân phối, gần 400 đơn vị bán hàng và hơn 26.000 điểm bán trên toàn quốc, sản phẩm Nhựa Tiền phong đã và đang có mặt ở các miền trên cả nước, đặc biệt tại miền Bắc, sản phẩm Nhựa Tiền Phong đang chiếm 70-80% thị phần ống nhựa.

Trong định hướng phát triển lâu dài, Nhựa Tiền Phong đặt ra mục tiêu tăng trưởng 10-17% mỗi năm.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán