Tác động của mạng xã hội đến lối sống của sinh viên các trường đại học khu vực Hà Nội

15/01/2021 - 17:34
(Bankviet.com) Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và có vai trò quan trọng trong các hoạt động xã hội. Sự phát triển ồ ạt của nhiều mạng xã hội khiến sinh viên càng có cơ hội tham gia vào thế giới thông tin với kết nối rộng lớn, cùng lúc tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau. Tuy nhiên, với khối lượng thông tin lớn chưa qua kiểm duyệt được tung lên mạng xã hội mỗi ngày ảnh hưởng thế nào đến lối sống của sinh viên hiện nay. Bài viết từ góc nhìn quản lý báo chí truyền thông sẽ đi tìm lời giải cho bài toán này!

Một vài con số qua thực tế

Hiện nay, mạng xã hội không phải một cụm từ xa lạ với mỗi chúng ta, nhất là đối với sinh viên, mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Mạng xã hội như một luồng gió mới đầy những sáng tạo và bất ngờ thú vị, nó góp phần thay đổi không chỉ trong phong cách sống hàng ngày của bộ phận công chúng này. Với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, mạng xã hội cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. Mạng xã hội, giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội. Do chức năng đa dạng và sự gia tăng ngày càng nhanh số lượng thành viên, mạng xã hội đã có tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới của tư duy, lối sống, văn hóa… ở sinh viên - một bộ phận chiếm số lượng lớn trong số những người sử dụng.

Kết quả khảo sát tại 5 trường Đại học ở Hà Nội (Đại học Bách Khoa, Đại học FPT, Học viện Ngân Hàng, Đại học Luật, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho thấy, 100% số sinh viên được khảo sát đều sử dụng mạng xã hội, có đến 73,75% cho biết, việc đầu tiên khi họ truy cập Internet là sử dụng mạng xã hội, với tần suất trung bình 2h/ngày.

Một bộ phận sinh viên đã rất khôn ngoan khi tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô hạn từ các mạng xã hội này để đề cao tên tuổi bản thân, đầu tư kinh doanh và kiếm được không ít lợi nhuận từ các mạng xã hội. Chính những danh từ như “Hot Face”,“Vlogger”, “Streamer”... xuất hiện và cũng bắt nguồn từ đây. Bên cạnh đó, không ít các hành động đẹp bắt nguồn từ mạng xã hội, như các trang fanpage cộng đồng nhằm kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ, gây quỹ giúp đỡ bà con gặp khó khăn hay các fanpage kêu gọi cứu trợ bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã... đã thu hút phần lớn người dân tham gia và ủng hộ. Điển hình như trận lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua, chính sức mạnh của cộng đồng mạng đã kêu gọi, quyên góp và giúp đỡ cho người dân nơi đây.

Nhiều sinh viên vẫn đang nghiện "mạng xã hội"

Có thể nói, sinh viên hiện nay rất biết việc sử dụng mạng xã hội để gia tăng lượng tri thức, đồng thời cũng là nơi để gắn kết cộng đồng và sẻ chia những niềm vui của những người có cùng quan điểm, thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài những mặt tích cực trên mạng xã hội cũng có những tiêu cực về sự kết nối lan truyền cộng đồng trên mạng xã hội. Bởi chính mạng xã hội đã nâng tầm cho những nhân vật có ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ như bộ phận “giang hồ mạng”. Các trào lưu khoe thân, hay tự hành hạ mình, trào lưu bắt nạt tập thể... để “câu like”, nổi tiếng; điều này đã làm tha hóa đời sống của một bộ phận sinh viên.

Mạng xã hội còn mang lại những hậu quả khó lường, đó chính là hiện tượng “fake news”- hành động tung tin giả để gây rối trật tự. Nguyên do là một số sinh viên chưa có nhận thức sâu sắc, muốn nổi tiếng “nhanh” trên mạng xã hội tạo nên. Hơn nữa, một lượng lớn thông tin không có nguồn gốc chính thống, chưa được kiểm duyệt, nhằm mục đích nói xấu, bôi nhọ người khác, hoặc kích động, phản động… làm xôn xao dư luận, gây mất an toàn xã hội.

Hệ luỵ của hiện tượng “nghiện online” khiến năng suất lao động giảm, học tập sao nhãng, sức khỏe không tốt (giảm thị lực, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi…). Bên cạnh đó, việc phát tán thông tin từ mạng xã hội rất nhanh và dễ dàng đã tạo môi trường để những kẻ xấu lợi dụng, gây nguy hại đến tư tưởng, tinh thần của người dùng mạng xã hội. Những tác hại tiêu cực từ Internet và mạng xã hội, đã phần nào làm băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống của một bộ phận sinh viên hiện nay.

Những người tham gia vào diễn đàn mạng xã hội không phải ai cũng có kiến thức, trình độ và văn hóa

Một số giải pháp trước mắt

Thứ nhất, tăng cường quản lý, giáo dục từ gia đình và nhà trường. Để có thể quản lý, giáo dục, hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội cho sinh viên hướng đến những hành vi và lối sống tốt đẹp, có ích cho bản thân và cộng đồng, đầu tiên, nền tảng đạo đức, lối sống của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống, trình độ nhận thức về văn hóa xã hội của người lớn… là những nhân tố quan trọng giúp giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách tích cực. Từ phía các bậc cha mẹ, thầy cô cũng phải cần có sự hiểu biết về mạng xã hội, cần biết sử dụng mạng xã hội với những tiện ích của nó cho công việc, cho giải trí lành mạnh, không nên phê phán bừa bãi hay chỉ lên án những tiêu cực của mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ. Từ phía nhà trường cũng cần có những fanpage thú vị nhằm tạo sân chơi trên mạng xã hội lành mạnh và mang tính định hướng cho sinh viên. Những trang này phải do nhà trường trực tiếp đứng ra điều hành và kiểm duyệt tin.

Thứ hai, nâng cao tính định hướng của truyền thông. Tại Việt Nam, mạng xã hội đã sở hữu một số lượng thành viên khổng lồ mà chủ chốt là sinh viên, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường công chúng của báo chí truyền thống mà trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí càng nặng thêm.

Thực tế hiện nay, những người tham gia vào diễn đàn mạng xã hội không phải ai cũng có kiến thức, trình độ và văn hóa nhất định. Một khi diễn đàn mạng xã hội chưa trung thực, hoặc “sạch” theo đúng nghĩa thì nhóm công chúng là sinh viên rất dễ bị hoang mang, kích động. Để nhóm công chúng sinh viên có những nhận thức đúng đắn, không hiểu sai, bị kẻ xấu lợi dụng, báo chí truyền thống phải đứng ra làm “quan tòa” phân xử, giúp định hướng thông tin cho sinh viên trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Thêm vào đó, cần nâng cao nghiệp vụ của phóng viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội. Họ cần hiểu rõ nhu cầu và những mối quan tâm hàng đầu của công chúng nói chung và nhóm sinh viên nói riêng. Từ đó, cung cấp những nội dung thông tin mang tính định hướng cho nhóm đối tượng này.

Mạng xã hội mang lại những hậu quả khó lường

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho mạng xã hội. Cần kiên quyết xây dựng khung pháp lý và thi hành một cách chuẩn mực về tiêu chuẩn thông tin trên MXH, loại trừ bằng được những trường hợp lan truyền “tin giả”. Việc xây dựng khung pháp lý cho các trang tin của MXH không chỉ bảo vệ giá trị cho báo chí chính danh, mà còn thanh lọc môi trường truyền thông, giảm thiểu tình trạng nhiễu tin tức như hiện nay. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải có những quy định rõ ràng về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng, chế tài xử phạt những hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên MXH, gây xôn xao dư luận. Kiên quyết loại bỏ những trang mạng xã hội, trang web gây nhiễu loạn dư luận xã hội, đề cao trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà mạng xã hội đã mang lại, vì nó giúp thế giới “phẳng hơn, nhỏ hơn, gần hơn”. Qua đó sinh viên nhận biết, tiếp thu, nâng cao được tầm hiểu biết, tri thức, kiến thức. Có lẽ đây là một đặc trưng quan trọng của xã hội hiện đại – xã hội thông tin mà mạng xã hội chỉ là một trong những công cụ. Trong xã hội thông tin này, nếu sinh viên biết cách nắm vững những công cụ hữu ích, sẽ vững bước hội nhập vào thế giới toàn cầu. Suy cho cùng, mỗi cá nhân đều có quyền và điều kiện để lựa chọn cộng đồng sống cho mình. Sống ảo hay sống thực, bạn ảo hay bạn thực, gia đình ảo hay gia đình thực,... hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân.

Lê Thị Hà Phương

Theo Người làm báo (link gốc)

Theo: