Chủ tịch Dệt may Hòa Thọ nhận thù lao tiền tỷ, gấp 10 lần thu nhập nhân viên
Dệt may Hòa Thọ được xem là 'gà đẻ trứng vàng' của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với mức chia cổ tức hấp dẫn hàng năm.
Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (HOSE: HTG) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều nội dung đáng chú ý được thông qua, đặc biệt là mức thù lao cho ban lãnh đạo và định hướng kế hoạch kinh doanh trong năm tới.
Dệt may Hòa Thọ thành lập năm 1962, chuyên sản xuất và xuất khẩu sợi, vải, quần áo cho các thương hiệu lớn như Snickers, Haggar và Calvin Klein. Chính thức cổ phần hóa từ năm 2007 và niêm yết trên Upcom từ 2017, HTG hiện có mạng lưới phân phối rộng khắp trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Canada. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm tới 47% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 – là thị trường trọng yếu của doanh nghiệp.
Tại đại hội, cổ đông đã thống nhất giữ nguyên mức chi thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) trong năm 2025, với tổng ngân sách không vượt quá 2,424 tỷ đồng – tương đương với năm 2024. Con số này chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân và các khoản bổ sung tiền lương theo quy định của Tổng Công ty.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT chuyên trách Nguyễn Văn Hải nhận thù lao hàng tháng từ 90 đến 110 triệu đồng, tương đương 1,08 – 1,32 tỷ đồng mỗi năm. Mức này cao gấp hơn 10 lần so với thu nhập bình quân của người lao động trong công ty, hiện ở mức 10,92 triệu đồng/tháng. Dự kiến, thu nhập bình quân của người lao động sẽ tăng lên 11,16 triệu đồng/tháng vào năm 2025, khi Hòa Thọ mở rộng lực lượng lao động lên gần 10.000 người.

Ngoài Chủ tịch HĐQT, các thành viên khác trong hội đồng được nhận thù lao từ 10 – 20 triệu đồng/người/tháng, tùy chức danh. Trưởng ban kiểm soát chuyên trách nhận 30 triệu đồng/tháng; các thành viên BKS và thư ký HĐQT được chi trả 3 triệu đồng/tháng/người.
Mục tiêu 2025: Doanh thu vượt 5.000 tỷ đồng, cổ tức tối đa 50%
Bước sang năm 2025, Dệt may Hòa Thọ đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 5.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế riêng 350 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 360 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 255 triệu USD. Doanh nghiệp kỳ vọng mức chia cổ tức dao động từ 25% đến 50% vốn điều lệ, tùy thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế trong năm.
Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 cùng định hướng từ công ty mẹ là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) – đơn vị hiện đang nắm giữ 61,87% vốn tại Hòa Thọ.

Trong bối cảnh ngành dệt may đang đối mặt với nhiều biến động do các chính sách thương mại và thuế quan quốc tế, Hòa Thọ đánh giá năm 2025 vẫn là một năm khó khăn. Đặc biệt, khả năng Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam sẽ là rủi ro lớn cho xuất khẩu dệt may, ảnh hưởng trực tiếp đến những thị trường truyền thống của công ty.
Để ứng phó với các thách thức đó, Hòa Thọ đã đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nổi bật là theo dõi sát diễn biến thị trường để xây dựng các kịch bản ứng phó với chính sách thuế quan, thương mại; đẩy mạnh tự chủ trong thiết kế và sản phẩm thông qua trung tâm R&D; đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu; tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; và tập trung đầu tư vào các giải pháp thân thiện môi trường như điện mặt trời, tái chế nước thải.
Song song với phát triển sản xuất, công ty cũng chú trọng đến văn hóa doanh nghiệp, nâng cao môi trường làm việc và đảm bảo an sinh cho người lao động.
TGĐ HTG Nguyễn Ngọc Bình cho biết, Hòa Thọ đã ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.241 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 353 tỷ đồng – tăng 67% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cũng đạt 255 triệu USD, hoàn thành 103% kế hoạch năm.
Năm 2025, Hòa Thọ đặt kỳ vọng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dù bối cảnh toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu tăng thu nhập cho người lao động từ 5 – 7%, gắn liền với chiến lược phát triển bền vững và chia sẻ lợi ích với cổ đông.
Phát biểu tại đại hội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, Hòa Thọ hiện là đơn vị đứng đầu hệ thống Vinatex về tỷ lệ đóng góp cổ tức, và đứng thứ hai trong toàn ngành dệt may niêm yết về mức chia cổ tức.

Theo ông Trường, trong giai đoạn sắp tới, Hòa Thọ cần ưu tiên ba định hướng chiến lược: hình thành cơ sở sản xuất thông minh hàng đầu tại Việt Nam; phát triển các dòng sản phẩm kỹ thuật cao thay vì mở rộng sang dệt – nhuộm; và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao để thích ứng linh hoạt với biến động thị trường.
Ông cũng cam kết Vinatex sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hòa Thọ, đồng thời đề cao vai trò điều hành linh hoạt của bộ máy lãnh đạo trong bối cảnh chính sách thuế từ Mỹ và các nước lớn đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam.